Phim Cuộc Chiến Đa Vũ Trụ
Phim Cuộc Chiến Đa Vũ Trụ (Everything Everywhere All At Once) đã nhận được vô số phản hồi tích cực từ cả giới chuyên môn và khán giả đại chúng. Cơn sốt của phim đã lan sang Việt Nam trong suốt hơn 1 tháng qua dẫu chúng ta chưa được xem phim. Sau cùng, sự chờ đợi đã chấm dứt khi siêu phẩm ăn khách này chính thức công chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc từ hôm nay (24/06/2022).
Phim Cuộc Chiến Đa Vũ Trụ được giới thiệu thuộc thể loại phim khoa học viễn tưởng khi đặt ra yếu tố đa vũ trụ đầy màu sắc, muôn hình vạn trạng và không theo bất kỳ một quy luật cụ thể nào. Đúng như tên gọi tiếng Việt của phim, Phim Cuộc Chiến Đa Vũ Trụ chính là một tác phẩm đầy tham vọng khi là một sản phẩm của sự kết hợp giữa các pha hành động kỳ quái, chính kịch, hài kịch siêu thực và thậm chí cả các kiến thức triết học thuyết hư vô và thuyết phi lý vô cùng uyên thâm.
Thuyết hư vô là phủ định các khía cạnh nổi bật hiện hữu trong cuộc sống như kiến thức, sự tồn tại và các ý nghĩa được chúng ta mặc định là đúng.
Trong khi đó, thuyết phi lý lại được hiểu là vũ trụ không có bất kỳ quy tắc hay một trật tự nhất định nào, con người nếu muốn đi tìm chân lý này thì phải chịu xung đột với cả vũ trụ muôn màu ngoài kia.
Do vậy, cô nàng phản diện Joy (Stephanie Hsu) là hiện thân của thuyết hư vô và ngược lại, nữ chính Evelyn (Dương Tử Quỳnh) là thuyết phi lý.
Mỗi một vũ trụ mà nữ chính Evelyn đặt chân tới đều mang một màu sắc và ý nghĩa riêng, nhưng những điều này lại có phần dễ hiểu và gần gũi với khán giả hơn Doctor Strange 2.
Không chỉ dừng lại ở đó, sau loạt các cảnh quay được sử dụng kỹ xảo CGI công phu, hình ảnh hài hòa thì Phim Cuộc Chiến Đa Vũ Trụ còn mang lại câu chuyện gia đình sâu lắng cảm động, giá trị nhân văn rất cao và đáng để người xem trẻ tuổi phải suy ngẫm và đặt bản thân vào vị trí của ba mẹ chúng ta. Mặt khác, các khán giả lớn tuổi ắt hẳn sẽ rơi vào trầm tư vì hình ảnh các con của họ nhiều lần bế tắc vì khoảng cách thế hệ với ba mẹ cũng xuất hiện trên phim.
Tiếp theo, các vấn đề được quan tâm hàng đầu trên thế giới hiện nay như nạn phân biệt chủng tộc, kỳ thị LGBTQ+ đều được thể hiện một cách khéo léo với kiểu hài châm biếm.
Cụ thể, Evelyn với việc xuất thân là một người Hồng Kông, Trung Quốc cùng chồng di dân sang Mỹ đã nhận không ít lời chê bài về tiếng Anh của bà. Thậm chí, bà chủ tiệm giặt ủi này còn đích thân mời một người da trắng đến tham dự bữa ăn Giao thừa vào dịp tết Nguyên đán, nhưng đổi lại chỉ là sự thờ ơ của khách hàng này.
Con gái của bà là Joy đã “come out” rằng bản thân là người đồng tính nhưng vẫn luôn nhận được thái độ “bằng mặt không bằng lòng” của mẹ mình. Có thể nói, chi tiết này của phim vừa mang tính đại chúng giúp phim ghi điểm trong mắt người xem trên toàn cầu, vừa cho thấy điểm đặc trưng vô cùng phổ biến trong một gia đình châu Á.
Thêm vào đó, từ tạo hình cho đến tính cách của Evelyn cũng chính là hiện thân của hình ảnh phụ nữ Á đồng, tất bật lo cho chồng con mà quên đi bản thân. Áp lực từ nhiều mặt nhưng luôn không biết phải chia sẻ với ai.